TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC TRONG CỘNG ĐỒNG VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO CHO HỌC SINH
Sáng ngày
27/11/2023, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm tổ chức truyền thông và cấp phát
tài liệu phòng chống bệnh lao cho 200 học sinh tại trường THCS Thị Trấn và trường
THPT Phan Văn Trị. Đến dự buổi truyền thông tại hai trường có đại diện trạm y tế
Thị Trấn Giồng Trôm, trạm y tế xã Bình Hoà, nhân viên y tế trường học, ban giám
hiệu, thầy cô và các em học sinh.
Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao còn cao. Tuy nhiên, nước ta
có hệ thống phòng, chống lao rất tốt từ Trung ương đến tuyến cơ sở. Điều đó thể
hiện cam kết cao từ cấp lãnh đạo cũng như Chương trình phòng, chống lao của
Việt Nam.
Lao là bệnh có tỷ lệ
mắc và tử vong đứng số một trong số các bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra, bệnh lây
qua đường không khí. Chỉ có những người mắc bệnh lao phổi mới
là nguồn lây chính. Bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc làm bắn ra những hạt nước
bọt có mang theo vi khuẩn lao bay vào trong không khí và di chuyển khắp nơi.
Khi chúng ta hít phải vi khuẩn lao là sẽ bị nhiễm lao. Nếu như sức đề kháng suy
giảm, những người bị nhiễm lao, sẽ có nguy cơ mắc bệnh lao. Ho khạc đàm kéo dài
trên 2 tuần là dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh lao phổi. Có thể kèm theo các dấu
hiệu khác như: Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau tức ngực, khó thở, ho ra
máu, sụt cân.
Muốn thực hiện thành công chấm dứt đại dịch lao, chúng ta cần nỗ lực hơn
và phải hướng tới cách tiếp cận mới, để làm sao có sự tham gia một cách sâu
rộng hơn, toàn diện hơn của các đơn vị có liên quan. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ
trợ nhóm bệnh nhân nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Tăng cường hơn nữa hoạt
động sàng lọc, phòng, chống lao với mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm bằng các
dịch vụ chẩn đoán có chất lượng cao cho mọi đối tượng bệnh nhân lao.
Để giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao, cũng cần tăng cường
các biện pháp khám sàng lọc, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng
đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc áp dụng các
kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao. Ngành y tế phấn
đấu đạt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn bệnh lao vào năm 2030.
Nguồn: Công Hội – TTYT H.Giồng Trôm