image banner
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG LÂY NHIỄM BỆNH CÚM A/H5N1

Bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. H5N1 là một phân nhóm virus cúm A (Influenza A virus), thường xuất hiện ở chim và gia cầm. Giống như tất cả các loại virus cúm khác, virus A/H5N1 lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Cúm A/H5N1 đã giết chết gần 60% người mắc kể từ trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Đến nay, mặc dù y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm rất phát triển, nhưng cúm gia cầm A/H5N1 vẫn đang tiếp tục lây lan, gây biến chứng và tử vong cho người và động vật.

Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao (từ 50-60% trường hợp mắc). Tại Việt Nam, ca mắc cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003 (Tính từ 2004 – 2013 có 35 ca mắc và 29 ca tử vong do cúm A/H5N1), biến chủng virus cúm này đã biến đổi thành một chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến 100%. Nguy hiểm nhất của bệnh cúm gà là khi lây sang người có thể gây viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

          Theo thông tin từ Cục Thú y – Bộ NN & PTNT, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rãi rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tìm ẩn nguy cơ lây nhiễm gia cầm sang người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc vi rút cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

  1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nhằm tuyên truyền dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người. Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông bằng hình thức tuyên truyền trên hệ thống Trang thông tin điện tử của đơn vị; tại các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Giồng Trôm.

Nguồn: Công Hội – TTYT huyện Giồng Trôm.

 

Tiêu điểm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 240
  • Trong tuần: 1 021
  • Tất cả: 191601
© Copyright 2021 - Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm |  Quản trị
Địa chỉ: Ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Email: trungtamytegiongtrom@gmail.com
Số điện thoại liên lạc (phòng Hành chính): (02.753) 861.048
Thiết kế bởi VNPT Bến Tre