image banner
CẢNH BÁO NGUY CƠ BÙNG PHÁT BỆNH SỞI

Tại khu vực phía Nam từ đầu năm 2024 tính đến ngày 26/5/2024 đã ghi nhận 134 trường hợp mắc Sởi tăng 3,4 lần so với năm 2023 (40 trường hợp).

Tại Bến Tre từ ngày 29/04 đến ngày 07/06/2024 ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi điều trị tại các bệnh viện và tử vong 1 ca (Ba Tri). Trong đó có 8/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm và dương tính 4 trường hợp ( ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú ). Cả 4 trường hợp này đều chưa được tiêm ngừa Sởi hoặc chưa đủ tuổi tiêm.

Tại Giồng Trôm từ ngày 01/5 đến 11/6/2024 trên địa bàn huyện ghi nhận 1 trường hợp sốt phát ban có kết quả dương tính với Sởi (01 trường hợp tại xã Thạnh Phú Đông).

Nhiều khả năng xuất hiện thêm các ca bệnh Sởi và có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn huyện trong thời gian sắp tới do ảnh hưởng của việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan qua các giọt hô hấp và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch. Vậy triệu chứng của sởi là gì? Biến chứng ra sao? Phòng chống bệnh sởi như thế nào? Cách ngăn ngừa bệnh sởi không lây lan trong gia đình.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi: Sốt cao; Phát ban lan rộng trong cơ thể (phát ban có thể bắt đầu ở đầu và sau đó lan sang phần còn lại của cơ thể); Ho; Mắt đỏ; Đau họng; Sổ mũi; Đốm trắng bên trong miệng… Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu từ 10–14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Dấu hiệu đặc trưng là phát ban, đặc biệt bắt đầu trên mặt và lan xuống dưới, bao gồm các đốm đỏ phẳng có thể hợp nhất khi bệnh tiến triển. Ngoài ra, người bệnh có thể nhạy cảm với ánh sáng, đau họng và có những đốm trắng nhỏ bên trong miệng.

Biến chứng của bệnh sởi:

 Theo WHO, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi là do các biến chứng liên quan đến bệnh, có thể bao gồm: Mù lòa; Viêm não (nhiễm trùng gây sưng não và tổn thương não); Tiêu chảy nặng và mất nước liên quan; Nhiễm trùng tai; Các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi; Ở phụ nữ mang thai, virus có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và khiến con sinh ra sớm bị dị tật bẩm sinh.

Phòng chống bệnh sởi như thế nào?

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi hoặc lây bệnh sang người khác. WHO cho biết vaccine này an toàn và giúp cơ thể chống lại virus. Trước năm 1963, khi vaccine sởi chưa được triển khai, các dịch bệnh lớn xảy ra khoảng hai đến ba năm một lần và gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm. WHO cho biết: "Mặc dù đã có sẵn vaccine an toàn và tiết kiệm chi phí, nhưng vào năm 2021, ước tính có khoảng 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ". Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến việc tiêm phòng sởi, dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, khiến hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương.

Cách ngăn ngừa bệnh sởi không lây lan trong gia đình: Để phòng ngừa bệnh sởi lây lan cần:

  • Đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều đã tiêm vaccine phòng sởi (MMR). Đây là cách tốt nhất để đảm bảo bệnh không lây lan. Trẻ em cần hai liều vaccine này.
  • Trong trường hợp bạn bị nhiễm trùng ngay cả sau khi tiêm vaccine, bạn nên tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của bệnh.
  • Người mắc bệnh sởi phải cách ly cho đến khi hết triệu chứng.
  • Không đi đến những nơi đông người trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
  • Hãy cảnh giác với các triệu chứng để có thể phát hiện sớm.
  • Không tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
  • Giữ vệ sinh đúng cách như rửa tay, khử trùng… Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Nguồn: Công Hội.

Tiêu điểm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 199
  • Trong tuần: 980
  • Tất cả: 191560
© Copyright 2021 - Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm |  Quản trị
Địa chỉ: Ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Email: trungtamytegiongtrom@gmail.com
Số điện thoại liên lạc (phòng Hành chính): (02.753) 861.048
Thiết kế bởi VNPT Bến Tre