image banner
BỆNH VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN Ở TRẺ NHỎ

 

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ là một loại nhiễm trùng đường hô hấp mà nguyên nhân phổ biến là do virus gây ra. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới tuổi dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản hơn những nhóm tuổi khác là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và còn yếu. Khi bị bệnh, các ống tiểu phế quản của trẻ sẽ phù nề và xuất tiết dịch làm cản trở quá trình lưu thông khí qua phổi, từ đó dẫn tới tình trạng khó thở. 

Hiện tại, thời tiết ở huyện Giồng Trôm thay đổi thất thường, nắng nóng rồi mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi phát triển nhanh chóng. Do đó, đây chính là thời điểm dễ bùng phát dịch. Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy, giọt bắn khi trẻ bị bệnh ho hay hắt hơi,... 

Nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như sau: Rối loạn chức năng hô hấp; Chứng xanh tím do thiếu oxy; Ngưng thở: Đây là biến chứng thường gặp ở những đối tượng trẻ sinh non, hoặc trẻ 2 tháng tuổi; Mất nước; Suy hô hấp; Tràn khí màng phổi; Xẹp phổi; Viêm tai giữa ở trẻ; Thậm chí là nguy cơ tử vong. 

Những đối tượng trẻ có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản là: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Trong đó, những trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao hơn cả; Các trường hợp trẻ sống trong khu vực đang bùng phát dịch cúm hoặc một số bệnh về hô hấp do virus RSV; Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, hít phải thuốc lá thụ động; Trẻ không được bú sữa mẹ; Trẻ sinh non; Trẻ bị bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh hay suy giảm hệ miễn dịch; Trẻ đã từng mắc một số bệnh như viêm mũi họng; Trẻ có anh chị em bị viêm tiểu phế quản. 

Ở giai đoạn đầu, trẻ có những triệu chứng giống với tình trạng cảm cúm thông thường. Do đó, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường về đường hô hấp dưới đây: Trẻ ho nhiều và xuất hiện khó thở sau khi ho, trẻ bỏ bú, bỏ ăn, ngủ nhiều, ngủ li bì, một số trường hợp ngủ ngay cả khi đang bú, hay quấy khóc, sốt cao, da nhợt nhạt, môi xanh, khô miệng và không đi tiểu trong khoảng từ 6 đến 8 tiếng, thở nhanh, khó thở, tức ngực, đối với những trẻ sinh non hoặc mắc các bệnh tim, phổi bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch,… cha mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận hơn và kịp thời đưa trẻ đến viện trong trường hợp cần thiết. 

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản ờ trẻ nhỏ bằng cách:

- Trước khi tiếp xúc với trẻ, người lớn nên rửa tay bằng cồn hoặc xà phòng diệt khuẩn.

- Giữ ấm cho trẻ. 

- Cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây lan sang những trẻ khác. 

- Cho trẻ uống đủ nước. 

- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ trong ít nhất 12 tháng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. 

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc lá,…

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và các đồ vật, đồ chơi trẻ hay tiếp xúc. 

Thời tiết hiện nay thay đổi thất thường với nhiều đợt mưa gây ẩm thấp với không khí lạnh, do đó, cha mẹ cần chủ động trong việc phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp cho trẻ, đồng thời đưa trẻ đi khám sớm nếu có những triệu chứng bất thường để trẻ được điều trị sớm, nhanh khỏi bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng.

                             Công Hội

Tiêu điểm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 123
  • Trong tuần: 979
  • Tất cả: 191800
© Copyright 2021 - Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm |  Quản trị
Địa chỉ: Ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Email: trungtamytegiongtrom@gmail.com
Số điện thoại liên lạc (phòng Hành chính): (02.753) 861.048
Thiết kế bởi VNPT Bến Tre