image banner
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN GIỒNG TRÔM CẢNH BÁO DỊCH ĐAU MẮT ĐỎ DO VIRUS ĐANG LÂY LAN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

    Theo thống kê chưa đầy 1 tuần, từ ngày 11/9 đến hết ngày 13/9 Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm tiếp nhận báo cáo của các Trạm y tế xã ghi nhận 135 trường hợp bệnh đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn huyện. Hiện tại, số người đến khám bệnh về mắt do viêm kết mạc và đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng cao.

    Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn, vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

    Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh có các biểu hiện như chảy nước mắt, cộm sốn, đỏ một hoặc hai cả mắt, ngứa một hoặc hai cả mắt, cảm giác có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ hơi đau, kết mạc sưng phù, bệnh thường bắt đầu từ một mắt sau vài ba ngày đến hai mắt, kèm theo ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).

    Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

    Để phòng tránh lây lan của bệnh, người bệnh không dụi tay vào mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.Nếu phát hiện mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Đặc biệt không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

    Bên cạnh đó, cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…Và vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.Đặc biệt, khi  người bệnh có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần chở đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời. Không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà rất nguy hiểm, để lại di chứng về sau.

 

    Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trômđã xác định được mức độ nguy hiểm của bệnh và thực hiện một số việc sau:

    1. Hướng dẫn các ca bệnh đến cơ sở y tế để được khám và chữa bệnh, đồng thời hướng dẫn người bệnh đảm bảo qui trình phòng chống lây nhiễm. Trạm y tế cần theo dõi, quản lý các trường hợp bệnh tại nhà và chỉ đến lớp khi hết triệu chứng ít nhất 02 ngày.

    2. Trạm y tế phối hợp với trường học thực hiện khử khuẩn bề mặt tại các lớp học và các khu vực công cộng như nhà vệ sinh, cầu thang…bằng cloramin B 0.5%.

    3. Hướng dẫn học sinh, giáo viên tuân thủ khuyến cáo “2K” nhằm phòng chống lây nhiễm tại lớp học.

    4. Trước mỗi buổi học y tế cơ quan phối hợp giáo viên chủ nhiệm cần kiểm tra tình trạng sức khỏe của các em học sinh để phát hiện sớm ca bệnh, đồng thời cần tìm hiểu nguyên nhân của những học sinh nghỉ học để hướng dẫn kịp thời.

    5. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch, cung cấp kiến thức đến người dân và các em học sinh về đặc điểm của bệnh, phương thức lây truyền, cách phòng bệnh, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng.

 

Tin, ảnh: Công Hội.

Tiêu điểm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 209
  • Trong tuần: 2 118
  • Tất cả: 360359
© Copyright 2021 - Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm |  Quản trị
Địa chỉ: Ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Email: trungtamytegiongtrom@gmail.com
Số điện thoại liên lạc (phòng Hành chính): (02.753) 861.048
Thiết kế bởi VNPT Bến Tre